Lễ Đản Sanh là ngày lễ mừng ngày Đức Phật ra đời, là ngày Ngài bắt đầu thị hiện ở thế gian này để giáo hoá chúng sanh.
Từ trước đến nay, việc xác định ngày tháng năm sinh của đức Phật luôn là đề tài được các nhà Phật học cũng như giới nghiên cứu khoa học đưa ra tranh luận, họ đã tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng vấn đề này, mãi đến nay vẫn chưa được thống nhất. Trong khi đó, hằng năm, tại Việt Nam cũng như toàn thế giới, các giáo hội Phật giáo đều lấy ngày rằm tháng Tư âm lịch, làm ngày truyền thống tổ chức đại lễ Phật đản. Và nhất là niên đại đản sanh của Đức Phật vẫn còn gây nhiều tranh cãi…
Trên thực tế đức Phật chỉ sinh ra vào đúng một giờ khắc nào đó, một ngày, một tháng, một năm nào đó; chứ ngài không thể xuất hiện trên thế gian này với quá nhiều cột mốc thời gian và những con số ngày tháng năm sinh mỗi ngày một dài ngoằn ra như vậy.
Để xác định ngày Phật đản sanh, chúng ta có thể nương theo bốn cơ sở dẫn chứng sau đây: 1/ Bộ Tây Vực ký (Bắc tông) nói là Phật đản sanh vào ngày 15 âm lịch. Đến thuyết Đâu suất giáng thần cũng nói nhằm vào ngày 15 (trăng tròn). 2/ Tạp chí Hiện Đại Phật Học của Hội Phật Học Trung Hoa khẳng định: Nói Đức Phật đản sanh vào ngày mồng 8 tháng 4 là bị ảnh hưởng tư tưởng của Hán tộc. 3/ Bộ sách nhan đề Đạo Phật của Phật giáo Liên Xô cũ (Mật tông) nói rõ: “Phật đản Pu-rơ-ni-ma ngày trăng tròn của tháng Vaisakha”. 4/ Trong kinh tạng Nam tông chỉ nói duy nhất một điều là: “Đức Phật đản sanh vào ngày trăng tròn”. Qua bốn luận chứng này, chúng ta có thể kết luận là Đức Phật chỉ có thể đản sanh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch nhà Hạ. Lịch này vẫn đang lưu hành ở nước ta cũng như một số nước trong vùng Đông Nam Á. Một điều làm tăng thêm tính khẳng định khi chúng ta xác nhận ngày Phật đản sanh là ngày Rằm tháng Tư âm lịch nữa, đó là tất cả những ngày mồng 8 âm lịch không bao giờ rơi vào ngày trăng tròn cả…
Hiện nay các nước Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Lào, Campuchia đều chọn ngày Rằm trăng tròn tháng Vésakha, tức là ngày Rằm tháng Tư làm ngày kỷ niệm đức Phật đản sanh. Điều đáng ghi nhận ở đây là hầu hết các sử liệu gồm kinh điển Bắc tông, Nam tông, kể cả bia ký của vua A Dục cũng đều xác nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử chứ không phải là một nhân vật thuyết thần thoại. Ở Việt Nam, lễ Phật đản được áp dụng thống nhất theo Phật lịch thế giới vào năm Mậu Tuất 2501, nhằm ngày thứ Bảy 26/5/1958 theo quyết định của Tổng hội Phật giáo Việt Nam họp vào tháng 9 năm 1957.
Dù sao thì chúng ta cũng không nên quá đặt nặng đến sự chính xác của các sự kiện lịch sử, bởi chúng ta đã tốn nhiều thời gian cho công việc này mà vẫn không mang lại một kết quả như ý. Chúng tôi cho rằng, chúng ta nên tôn trọng sự thống nhất các ngày đại lễ của Phật giáo từ phía Hội Phật giáo Thế giới hay Ủy Ban đặc trách về Phật giáo của Liên Hiệp Quốc. Điều mà chúng tôi cho là cần thiết là nên làm cho tư tưởng giác ngộ giải thoát và tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật đi sâu vào đời sống nhân loại trong những ngày đại lễ của Phật giáo diễn ra, hơn là cứ bàn cãi về ngày tháng năm sinh của đức Phật, bởi đến lúc này, nó không cần thiết bằng những điều đạo đức hay phương pháp tu hành mang lại kết quả thiết thực trong cuộc sống.
Xem thêm: Hình Phật Thích Ca Mâu Ni đẹp nhất
Bộ Hình Ảnh Phật Đản Sanh rất đẹp
Trả lời